Các em thân mến!
Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người từ chân lý sinh ra.
…………………….
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống, anh hùng, vĩ đại.”
Vâng, đó là những câu thơ viết về một trong vô số các anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Nhân kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 -26/3/2025), thư viện trường THCS Quảng Phú Cầu trân trọng giới thiệu đến toàn thể các em học sinh tác phẩm truyện kí “Sống như Anh” của tác giả Trần Đình Vân.
Cuốn sách “ Sống như anh” đã để lại cho chúng em những tình cảm sâu đậm nhất. Truyện đã nhắc nhở chúng em rằng: Việt Nam đất nước anh hùng, đất nước của những bản trường ca vĩ đại, những trang sử hào hùng, những con người kiên cường bất khuất dâng hiến đời mình cho tổ quốc thân yêu. Vâng! chiến tranh đã qua đi, nhưng những dư âm của nó sẽ còn vang vọng mãi, những tang thương mất mát, những thăng trầm của lịch sử, sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ, họ đã ngã xuống nhưng tên tuổi và chiến công sẽ mãi là niềm tự hào, niềm thán phục được khắc ghi trong nhiều trang sách.
“ Sống như anh” là một cuốn sách hay mà bạn đọc không thể bỏ qua. Cuốn sách của tác giả Trần Đình Vân viết dựa trên lời kể của chị Phan Thị Quyên- vợ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, cuốn sách dày 132 trang khổ 13,5 x 20,5 cm do nhà xuất bản Kim Đồng được tái bản năm 2021 , nổi bật trên trang bìa sách là hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với ánh mắt hiên ngang, kiên trung, bất khuất.
Đây là một tác phẩm nổi tiếng, là cuốn sách truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên, chiến sĩ… thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua lời kể của chị Phan Thị Quyên và được nhà văn Trần Đình Vân chấp bút, hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi hiển hiện sống động, chân thật, gần gũi với tình yêu trong sáng, nhiệt tình cách mạng và lòng can đảm… Một câu chuyện cảm động về người anh hùng kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù đã đi vào lịch sử như một huyền thoại…
Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán. Ngày 21/04/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với chị Phan Thị Quyên.
Năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Bước vào đời hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương một số tên địch.
Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5-1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ được hơn 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mác Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị bại lộ, anh bị địch bắt nhốt vào tù đợi xử lí.
Khi ở trong tù, bọn thực dân đã tra tấn, đánh đập anh rất dã man. Bọn lính vô cùng tức tối “ Ai sai mày đặt bom cầu công lý giết Bộ trưởng Mỹ”. Và câu trả lời của anh luôn là “ Tao đã nói rồi, chính tao là người đã lập kế hoạch để giết thằng chó đẻ đó, ngoài ra không còn ai khác”. Mặc dù phải đối phó với những thủ đoạn tàn ác và những lừa bịp mua chuộc của kẻ thù song con người đó luôn luôn biểu lộ một phẩm chất đặc biệt rất vững vàng, ngay cả những lúc bị tra tấn, bị đè xuống đất, bị điện giật lăn ra, ngay cả lúc chân Anh bị thương tật không đứng vững nữa, con người đó trước mặt kẻ địch lúc nào cũng được một tư thế rất hiên ngang, anh dũng, bất khuất.
Sau một thời gian dài giam dữ và tra tấn, ngày 9/5/1964 chúng đưa anh ra toà xét xử. Trước khi ra toà, bọn tay sai đã chế nhạo anh rằng “ Anh còn trẻ, vợ anh xuân lắm, thế mà đi nghe theo Việt Cộng làm chuyện bậy bạ”. Tưởng rằng sẽ làm anh lung lay nhưng không, anh đã đáp trả rằng “ Tôi nghĩ tôi làm rất đúng, tôi muốn cứu nước dù có phải thương tật cũng được, tôi không thể sống như bọn tay sai, vì thân mà làm hại đồng bào, thật đáng ghê tởm”. Câu nói đó đã khiến bọn tay sai bán nước vô cùng tức giân, nó như một lời châm biếm với những kẻ chỉ vì nghĩ cho bản thân mà sẵn sàng bán nước.
Tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, anh Trỗi bị đưa ra pháp trường trong sự nuối tiếc, thương sót của người dân về một người yêu nước trẻ tuổi. Khi được đám phóng viên phỏng vấn, anh bày tỏ sự tiếc nuối của mình vì đã sa vào tay giặc sớm, không được tiếp tục cống hiến để giải phóng dân tộc. Khi địch bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen rồi nói:
“Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!”
Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to:
“Hãy nhớ lấy lời tôi
Đả đảo đế quốc Mỹ
Đả đảo Nguyễn Khánh
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Việt Nam muôn năm!”
Khi anh vừa dứt lời thì 10 tiếng súng vang lên và cướp đi sinh mạng của vị anh hùng trẻ tuổi hy sinh hết mình vì đất nước Việt Nam .
Vâng đó quả là cuốn sách hay và ý nghĩa, cuốn sách không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về con người, dân tộc Việt Nam, về những khát vọng, lí tưởng, trách nhiệm của tuổi trẻ mà còn giúp ta tìm ra mục tiêu sống cho bản thân mình.
![]() Sống như Anh: Truyện kí/ Trần Đình Vân.- H.: Kim Đồng, 2021.- 131tr.: tranh vẽ; 21cm. Kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ISBN: 9786042221313 Chỉ số phân loại: 895 TDV.SN 2021 Số ĐKCB: TK.002605, |
Với bao lợi ích từ sách, mỗi người trong chúng ta cần tạo cho mình thói quen đọc sách hàng ngày. Giữa những bộn bề của cuộc sống, những bận rộn của công việc, nhưng chúng ta đừng quên mang theo sách bên người. Hãy đọc sách lúc nào chúng ta có thời gian, hãy bớt đi thói quen tán gẫu trên mạng xã hội…để dành thời gian đó vào việc đọc sách.
Cuốn sách “ Sống như anh” đã khép lại, cái chết của anh đã trở thành bất tử. Noi gương anh, lớp lớp thiếu niên chúng em sẽ ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Quyển sách này hiện nay có tại kệ sách thư viện trường THCS Quảng Phú Cầu, hân hạnh được phục vụ thầy cô và bạn học sinh đến thư viện mượn đọc.